Hotline
Liên hệ ngay
0918 754 277

TIN TRONG NGÀNH

  • Wed 06, 2021

MUA NHÀ DỰ ÁN VẪN NƠM NỚP LO SỢ

Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo) dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 9 tới.

Mua nhà dự án vẫn nơm nớp lo

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, trong số những điểm mới của Nghị định này có nội dung xử phạt hành vi của chủ đầu tư dự án chậm làm thủ tục giao sổ đỏ cho người dân mua nhà, đất trong dự án. Hành vi giao dịch bất động sản “ngầm”, không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt với mức phạt có ý nghĩa răn đe.

Có lẽ rất nhiều người mua nhà tại các đô thị hiện nay đang trông đợi những quy định này; bởi chậm cấp sổ đỏ đang là tình trạng chung tại nhiều dự án phát triển nhà ở. Một thống kê mới công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng tại 19 dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có tới 81% số người mua nhà đang bị nợ “sổ đỏ”. Có tới hàng chục ngàn căn hộ tuy đã có chủ, nhưng còn chưa có “giấy khai sinh”.

Còn theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn này, trong số 112.150 căn hộ đã xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà, vẫn còn tới trên 76.000 căn chưa được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định.

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, do người ngoại tỉnh chiếm một tỷ lệ lớn trong số khách hàng mua nhà tại dự án; họ không thực sự cần nhà ở nên không mặn mà với việc cấp sổ đỏ và vì thế chủ đầu tư cũng “không việc gì phải vội”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển thì thẳng thắn chỉ ra rằng, phần lớn các căn hộ trong dự án chưa được cấp sổ đỏ là do chủ đầu tư gặp vướng mắc về nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc xây dựng dự án sai giấy phép...

Lẽ dĩ nhiên, chủ sở hữu “nhà không sổ” phải chịu nhiều bất lợi khi muốn thực hiện các giao dịch dân sự về khối tài sản có giá trị không nhỏ của mình. Không chỉ tính thanh khoản thấp mà giá trị của căn hộ (nếu chủ nhân muốn bán) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Cũng rất khó có ngân hàng nào muốn mở hầu bao cho họ vay vốn với tài sản thế chấp là căn hộ không sổ đỏ.

Về phía chính quyền địa phương, tình trạng “nhà không giấy” đang gia tăng thêm những khó khăn, phức tạp trong việc quản lý đô thị, dân cư. Không có những con số “đầu vào” chính xác, mọi chính sách về phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội đều chông chênh, thiếu cơ sở vững chắc.

Hy vọng, với quy định mới các chủ đầu tư - thường là thông hiểu pháp luật hơn những người mua nhà - sẽ phải làm tròn trách nhiệm của người bán, không chỉ với các khách hàng của mình, mà cả với chính quyền đô thị. Kể cả khi một số người mua chưa ý thức được hết quyền lợi của mình. Có như vậy, đô thị mới thực sự có kỷ cương và xã hội thực sự “thượng tôn pháp luật”. 

                                                                                           Theo Cẩm Hà